BÀ DALLOWAY - Virginia Woolf (Bản bìa mềm)
BÀ DALLOWAY - Virginia Woolf (Bản bìa mềm)
1 / 1

BÀ DALLOWAY - Virginia Woolf (Bản bìa mềm)

5.0
1 đánh giá
1 đã bán

Thuật ngữ tiếng Anh "stream of consciousness" được nhà tâm lý học người Mỹ William James đưa ra trong cuốn The Principles of Psychology (Cơ sở tâm lý học) xuất bản năm 1890, khi cho rằng ý thức là một dòng chảy, một dòng sông mà ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởn

138.000
Share:
DEMEDI Bookshop

DEMEDI Bookshop

@demedi-bookshop
4.9/5

Đánh giá

31

Theo Dõi

21

Nhận xét

Thuật ngữ tiếng Anh "stream of consciousness" được nhà tâm lý học người Mỹ William James đưa ra trong cuốn The Principles of Psychology (Cơ sở tâm lý học) xuất bản năm 1890, khi cho rằng ý thức là một dòng chảy, một dòng sông mà ở đó những tư tưởng, cảm xúc, liên tưởng bất chợt luôn lấn át nhau và đan bện một cách kỳ quặc, "phi logic". Ở một phương diện khác, có thể nói dòng ý thức là mức tới hạn, là dạng cực đoan của độc thoại nội tâm. Thuật ngữ văn học “dòng ý thức” chỉ một xu hướng sáng tạo văn học (chủ yếu là văn xuôi) khởi điểm từ đầu thế kỷ 20, tái hiện trực tiếp đời sống nội tâm, xúc cảm và liên tưởng ở con người. Ở những tác phẩm chủ yếu của văn học dòng ý thức như tiểu thuyết của Marcel Proust, Virginia Woolf, James Joyce, sự quan tâm đến cái chủ quan, bí ẩn trong tâm lý con người trở nên sắc nhạy tới mức tới hạn; sự phá vỡ cấu trúc trần thuật truyền thống, sự xáo trộn các bình diện thời gian và đôi khi mang tính chất là sự thể nghiệm hình thức. Tác phẩm được xem là trung tâm và đỉnh cao của văn học dòng ý thức, tiểu thuyết Ulysses của James Joyce đã đi đến cùng những khả năng nghệ thuật của xu hướng này: sự nghiên cứu đời sống nội tâm con người kết hợp với sự xói mòn ranh giới tính cách, sự phân tích tâm lý đôi khi trở thành mục đích tự thân. (Wikipedia) Ảnh hưởng mạnh mẽ bởi Ulysses của James Joyce, Bà Dalloway được coi là tiểu thuyết dòng ý thức điển hình của Virginia Woolf. Câu chuyện của tiểu thuyết diễn ra chỉ trong một ngày, gần như không có cốt truyện, ở đây đơn thuần là dòng chảy của những ký ức quá khứ, những quan sát và suy nghiệm thực tại, và những điềm báo cho tương lai, trong trạng thái có ý thức và trong vô thức của các nhân vật. Woolf cho tác phẩm này là một “nghiên cứu về sự mất trí và tự sát; thế giới được nhìn nhận bởi kẻ tỉnh và người điên, lần lượt.” Vì vậy, “Bà Dalloway” tập trung vào hai dòng ý nghĩ chính, của Clarissa Dalloway, và của Septimus. Bà Clarissa Dalloway, một người hoàn toàn có sức hút, cả tự thân và qua cố gắng, người đã sống một cuộc đời ngay thẳng, có gợn sóng lăn tăn của những giây phút bốc đồng, nhưng chóng tan. Bà yêu và ghét chính mình, như tất cả chúng ta. Bà đã lựa chọn, như tất cả chúng ta. Và những lựa chọn tuổi trẻ quay lại, những cái chết quay lại, những bốc đồng quay lại, trở thành bóng ma ám ảnh dòng suy nghĩ thực tại của bà, khi đã ở tuổi 50, cũng như tất cả chúng ta. “Ông còn nhớ cái hồ chứ?” bà hỏi, giọng vội vàng dưới áp lực của cảm xúc đang siết lấy trái tim, khiến các cơ cổ họng căng cứng, và kéo đôi môi của bà thành một cái co giật khi thốt lên một tiếng “hồ”. Vì bà là một đứa trẻ, đang ném bánh mì cho lũ vịt, đứng giữa bố mẹ, đồng thời là một phụ nữ trưởng thành đang bước lại gần nơi bố mẹ đứng cạnh hồ, ôm cuộc đời trong cánh tay, thứ mà, khi bà lại gần họ, đã ngày càng lớn hơn trong tay bà, cho đến khi nó trở thành một cuộc đời trọn vẹn, một cuộc đời hoàn chỉnh, bà đặt nó xuống bên cạnh họ và nói, “Đây là cuộc đời mà con đã tạo ra! Đây!”. Và bà đã tạo ra một cuộc đời như thế nào? Thực vậy, như thế nào? Ngồi khâu váy trong buổi sáng này, cùng Peter. Và Septimus, một người lính sống sót sau chiến tranh, mang sang chấn tâm lý hậu chiến đi lang thang khắp London, người được các bác sĩ tự tin phán rằng: “hoàn toàn bình thường”. Bóng ma của gã toàn hoàn bình thường này là người đồng đội đã chết Evans, người mà Septimus vẫn thường xuyên trò chuyện trong những ảo ảnh của mình. Và bằng cách đó, anh mang bầu không khí đen đặc của điềm gở chạy xuyên suốt câu chuyện. Anh hiện diện ở một hòn đảo cách biệt với tất cả thị dân thủ đô, và trở thành kẻ kỳ dị. Nhưng hòn đảo đó có thật sự chỉ anh độc chiếm? Woolf bện những dòng suy nghĩ của đám người tỉnh và một kẻ điên đan xen quấn quít lấy nhau, để đến một lúc nào đó ta không nhận ra đâu là đâu nữa. Và ta đặt ra câu hỏi ấy, và điên và tỉnh chỉ cách nhau một tấm rèm ren mỏng. Và nhiều người hơn nữa đứng cùng trên hòn đảo của Septimus, hay mỗi người đứng trên hòn đảo riêng của mình, chẳng khác gì. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, dù 4 năm kinh hoàng của đại dịch có cướp đi bao nhiêu sinh mạng, dù những món nợ của ta với người chết vẫn chưa bao giờ được trả, dù sao đi nữa, thì cuộc sống vẫn lại tiếp diễn. Cũng như sau khi những cuộc chiến đi qua, bất cứ cuộc chiến nào mà lịch sử loài người đã phát minh ra. Ở “Bà Dalloway”, là cuộc sống tiếp diễn ở những ngày hậu Thế chiến thứ nhất, giữa London. Những ngày hậu tận thế, và người còn lại phải sống tiếp trong hoang mang tột độ, với vô vàn câu hỏi: "Làm thế nào mà đồng hồ vẫn rung chuông?", "Làm thế nào lại có thể tổ chức một bữa tiệc?", khi mà thế giới đã sụp đổ. Nhưng bữa tiệc vẫn sẽ diễn ra. Tháp đồng hồ vẫn đều đặn đổ chuông. Một ngày tháng Sáu năm 1923, bà Dalloway ra phố mua hoa để chuẩn bị cho bữa tiệc chiều. Trên những con phố bà ghé lại, nơi bà chào hỏi người quen, nơi bà chọn lựa găng tay trong một cửa hàng, sẽ có những người đàn ông không còn đôi chân hay cánh tay, sẽ có những người đàn ông với khuôn mặt tan chảy và biến dạng, hậu quả của các loại vũ khí mới như súng phun lửa hay khí mù tạt mà người Đức sử dụng. Những người đàn ông đã trở về, họ trở về với hình hài như vậy, hòa vào tâm trạng xã hội đặc quánh căng thẳng sau ngày Đình chiến. Đó là một cuốn tiểu thuyết về một Đế quốc Anh đổ nát, tập tễnh, một London đã thay đổi mãi mãi. Trong bản thảo ban đầu, Woolf đã mở đầu cuốn sách (khi đó có tựa đề là “The Hours”) với cảnh Peter Walsh đi dạo giữa những tháp chuông và những bức tượng vẫn còn nguyên vẹn ở trung tâm London, khi một đoàn quân diễu hành đặt vòng hoa tưởng niệm ở Quảng trường Trafalgar. Peter, suy ngẫm về những thất bại và sự yếu đuối của mình, nghĩ về người phụ nữ ông từng yêu, tên Clarissa. Woolf nói rằng, trong những bản thảo ban đầu “bà Dalloway định sẽ tự sát, hoặc có lẽ chỉ đơn thuần là chết vào cuối bữa tiệc” và “Septimus, người hóa ra là một hiện thân khác của bà Dalloway, thật ra không hề tồn tại.” Nhưng sau này, cuốn sách có tựa đề “The Hours” đã trở thành cuốn tiểu thuyết mang tên “Mrs. Dalloway”. Một cuốn sách đã mở đầu với: ”Ở Westminster, nơi các chùa chiền, nhà hội, tu viện và tháp chuông đủ loại được tập hợp lại với nhau, cứ mỗi giờ và nửa giờ, một hồi chuông, sửa lỗi cho nhau, khẳng định rằng thời gian đã đến sớm hơn một chút, hoặc ở lại muộn hơn một chút, ở đây hoặc ở đây” trở thành cuốn sách mở đầu bằng dòng “Bà Dalloway nói sẽ tự đi mua hoa”. Bà Dalloway Clarissa sẽ đại diện cho tất cả những người vẫn còn tin vào hoa và tiệc tùng; Septimus cho những người đã bị tổn hại đến không còn khả năng hồi phục. Đó là một bức chân dung phức tạp về một địa điểm và một khoảnh khắc, đồng thời là sự mô tả sắc nét đến kinh ngạc về trải nghiệm đa dạng của việc sống một cuộc đời, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời điểm nào. Một vài nhân vật trung tâm và hơn một trăm nhân vật phụ xuất hiện trong tiểu thuyết, và dòng suy tưởng của họ giăng ra phức tạp như hệ thống mạng nhện. Đôi khi các luồng suy nghĩ đan chéo nhau - và các nhân vật được trao cơ hội giao tiếp với nhau. Tuy vậy, thường xuyên hơn, dòng ý nghĩ của họ không giao cắt, đẩy các nhân vật vào cô lập. Woolf tin rằng đằng sau “mớ len” của cuộc sống (như bà gọi vậy trong tiểu luận tự truyện “Moments of Being”, 1941) và dưới trận mưa trút nước của sự ấn tượng làm bão hòa tâm trí trong từng khoảnh khắc, tồn tại một khuôn mẫu. Các nhân vật trong “Bà Dalloway” đôi lúc cảm nhận được khuôn mẫu này qua những cú sốc, hay cái mà Woolf gọi là “khoảnh khắc hiện hữu”. Thình lình lớp len rối bời được tách ra, và một người nhìn thấy thực tại và điểm đứng của mình ở trong đó, rõ ràng. Cuốn tiểu thuyết của Woolf cố gắng khám phá những cảm xúc rời rạc, chẳng hạn như sự tuyệt vọng, hay tình yêu, để tìm ra, thông qua những “khoảnh khắc hiện hữu”, một cách thức để ta chịu đựng và sống tiếp. Với cách viết của Woolf, loại bỏ chương hồi, những dòng suy tư của các nhân vật định hình như một làn hơi, một làn khí, bốc lên từ đầu của một người, bay lơ lửng, tan loãng dần rồi nhập vào đầu một người khác, rồi lặp lại. Đọc sách đến một lúc nào đó, ta phát triển một trò chơi trong tiềm thức: tìm chỗ nối ghép khi làn khí ý nghĩ bay từ nhân vật này qua nhân vật khác. Không hẳn là một trò chơi cho vui, mà là vì đầu óc người đọc cần có nhịp nghỉ, để thở ra. Ở tiểu thuyết này, tìm một lối rẽ khỏi đường cao tốc để thở ra thư giãn là rất khó. Và điểm tiệm cận giữa người điên, người tỉnh đã nói ở trên, thể hiện ở đoạn nối ghép này, khi làn hơi ý nghĩ bay từ cô vợ tỉnh sang anh chồng điên Septimus. Xin chép lại (rất dài) thế này: Con đường rộng, bà vú, người đàn ông mặc đồ xám, chiếc xe nôi, nâng lên và hạ xuống trước mắt cô, khẽ dập dềnh vì nước mắt. Số phận của cô là bị sự hành hạ độc ác này làm cho chao đảo. Nhưng tại sao? Cô như chú chim ẩn mình dưới mái vòm mong manh của một chiếc lá, chớp mắt nhìn khi chiếc lá lay động; hoảng hốt trước tiếng gãy của cành khô. Cô bị phơi bày; cô bị những thân cây sừng sững, những đám mây rộng lớn của thế giới hững hờ vây quanh, bị phơi bày; bị tra tấn; và tại sao cô phải hứng chịu khổ đau? Tại sao? Cô cau mày; cô dậm chân. Cô phải quay lại với Septimus vì sắp đến giờ đi gặp Ngài William Bradshaw. Cô phải quay lại và nói với anh, quay lại nơi anh đang ngồi trên chiếc ghế màu xanh dưới gốc cây, nói chuyện với chính mình, hoặc với người đàn ông đã chết, Evans, người mà cô chỉ gặp một lần ngắn ngủi duy nhất trong cửa tiệm. Anh ta có vẻ là một người tử tế kiệm lời; một người bạn tốt của Septimus, và đã hy sinh trong Cuộc chiến. Nhưng những chuyện như vậy xảy ra với tất cả mọi người. Ai cũng có những người bạn đã hy sinh trong Cuộc chiến. Ai cũng phải từ bỏ một thứ gì đó khi kết hôn. Cô đã từ bỏ quê hương của mình. Cô đã đến đây sống, giữa thành phố khủng khiếp này. Nhưng Septimus đã để bản thân mình nghĩ đến những điều tồi tệ, thì cô cũng có thể, nếu cô thử. Càng ngày anh càng kỳ quái hơn. Anh nói có người đang trò chuyện đằng sau bức tường phòng ngủ. Bà Filmer đã nghĩ chuyện ấy thật lạ. Anh cũng nhìn thấy nhiều chuyện nữa - anh đã thấy đầu của một bà lão hiện ra giữa bụi dương xỉ. Tuy vậy, anh có thể cảm thấy hạnh phúc nếu muốn. Họ đã ngồi ở tầng trên của một chiếc xe buýt và đi đến Cung điện Hampton Court, họ đã hoàn toàn hạnh phúc. Tất cả những đóa hoa nhỏ nhắn màu vàng và đỏ nhú trên bãi cỏ, như những chiếc đèn bàn đang trôi bồng bềnh, anh nói, chúng trò chuyện và thì thầm và cười đùa, bịa ra những câu chuyện. Đột nhiên anh nói, “Giờ thì chúng ta sẽ tự sát”, khi họ đang đứng cạnh dòng sông, anh nhìn nó bằng vẻ mà cô đã thấy trong mắt anh khi một đoàn tàu hoặc một chiếc xe buýt chạy qua - vẻ như thể một thứ gì đó khiến anh cảm thấy say mê; và cô cảm thấy anh đang rời xa mình, nên cô chộp lấy tay anh. Nhưng trên đường về nhà, anh đã hoàn toàn im lặng - hoàn toàn dễ hiểu. Anh đã cãi nhau với cô về việc tự tử; và giải thích rằng con người độc ác ra sao; rằng anh có thể nhìn thấy họ bịa ra những lời nói dối như thế nào trong lúc họ đi ngang qua trên phố. Anh biết tất cả những suy nghĩ của họ, anh nói; anh biết mọi thứ. Anh biết ý nghĩa của thế giới này, anh nói. Rồi khi về đến nhà, anh chẳng thể đi nổi. Anh nằm trên tràng kỷ và bắt cô phải nắm tay để ngăn không cho anh ngã xuống, xuống, anh khóc, xuống những ngọn lửa! và nhìn thấy những khuôn mặt đang cười vào mặt anh, gọi anh bằng những cái tên đáng kinh tởm, từ bốn bức tường, và những bàn tay đang chỉ trỏ từ tấm bình phong. Nhưng họ đang ở một mình. Và anh bắt đầu trò chuyện thành tiếng, trả lời những người khác, cãi cọ, cười, khóc, phần khích và bắt cô phải ghi lại nhiều điều. Chỉ toàn những điều ngớ ngẩn; về cái chết; về Cô Isabel Pole. Cô không thể chịu được nữa. Cô sẽ quay lại. Cô đã đến gần anh, có thể thấy anh đang nhìn đăm đăm lên trời, miệng lầm bẩm, hai bàn tay siết chặt. Nhưng bác sỹ Holmes đã nói chẳng có vấn đề gì với anh. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra - tại sao anh lại đi mất, tại sao khi cô ngồi xuống bên cạnh, anh lại hoảng hốt, lại cau có với cô, lại nhích ra xa, và chỉ vào tay cô, cầm tay cô, nhìn nó trong hoảng sợ? Có phải vì cô đã tháo nhẫn cưới? “Tay em gầy đi nhiều quá”, cô nói. “Em đã bỏ nhẫn vào ví”, cô nói với anh. Anh thả tay cô. Cuộc hôn nhân của họ đã kết thúc, anh nghĩ, trong cơn quân cực, trong sự nhẹ nhõm. Sợi dây thừng đã được cắt bỏ, anh đã nhảy xuống; anh đã được tự do, như lệnh ban xuống rằng, anh, Septimus, chúa tể của loài người, phải được tự do; đơn độc (vì vợ anh đã vứt nhẫn cưới; vì cô đã bỏ anh), anh, Septimus, đã đơn độc, đã gọi đám đông loài người đến gần để lắng nghe sự thật, để tìm hiểu ý nghĩa, mà cuối cùng thì giờ đây, sau tất cả những nhọc nhằn của nhân loại - người Hy Lạp, người La Mã, Shakespeare, Darwin, và giờ là bản thân anh - cũng được truyền đến... “Đến ai?” anh hỏi thành lời. “Đến ngài Thủ tướng”, những giọng nói đang lao xao trên đầu anh đáp. Bí mật tối thượng phải được tiết lộ cho Nội các; đầu tiên là những cái cây có sự sống; tiếp đến là chẳng có tội ác nào cả; tiếp nữa là tình yêu, tình yêu đại đồng, anh lẩm nhẩm, thở hổn hển, run rẩy, đau đớn rút ra những chân lý tối thượng này, những chân lý cần thiết rất sâu sắc, rất khó khăn, mà phải cần một nỗ lực khôn cùng để nói ra, nhưng thế giới sẽ vĩnh viễn được thay đổi nhờ những chân lý này. Không có tội ác; tình yêu; anh lặp lại, đang lần mò tìm danh thiếp và bút chì khi một con chó sục cáo Skye ngửi ống quần của anh và anh giật mình hoảng hốt. Nó đang biến thành một người đàn ông! Anh không thể chứng kiến! Thật khủng khiếp, thật khủng khiếp khi phải chứng kiến một con chó biến thành người! Con chó chạy đi ngay lập tức. Chúa trời khoan dung, thánh thiện khôn cùng. Trời đã chừa cho anh một con đường sống, đã tha thứ cho sự yếu đuối của anh. Nhưng còn lời giải thích của khoa học thì sao (vì người ta phải suy nghĩ một cách khoa học)? Tại sao anh có khả năng nhìn xuyên cơ thể, nhìn thấu tương lai, khi nào thì chó sẽ biến thành người? Có thể vì sóng nhiệt, đang tác động lên bộ não đã trở nên nhạy cảm sau thời gian dài tiến hóa. Xét trên phương diện khoa học thì xác thịt đã tan chảy khỏi thế giới. Thân thể anh đã bị chà xát cho đến khi chỉ còn lại những thớ thần kinh. Nó trải ra như một tấm voan trên tảng đá. Anh nằm ngả lưng trên ghế, kiệt sức nhưng vẫn trụ vững. Anh nằm nghỉ, chờ đợi, trước khi diễn giải một lần nữa trong nỗ lực, trong nỗi thống khổ cho loài người. Anh nằm rất cao, trên lưng cả thế giới. Trái đất rúng động bên dưới. Những bông hoa đỏ úa mọc lên từ xác thịt; những chiếc lá cứng rung rinh trên đầu anh. Tiếng nhạc bắt đầu văng vẳng dội lại từ những tảng đá ở trên này. Là tiếng còi xe dưới phố, anh lẩm nhẩm, nhưng ở trên này nó vang dội từ tảng đá này sang tảng đá khác, phân chia, tái hợp trong chấn động của âm thanh, chúng bay lên thành những cột mượt mà (âm nhạc hữu hình là một khám phá) rồi trở thành một bản thánh ca, một bản thánh ca đang cuộn tròn dưới tiếng sáo của chú bé chăn cừu (Đó là một ông lão đang thổi tiêu gần quán rượu, anh lẩm nhẩm) mà, trong lúc chú bé đứng bất động, bản thánh ca vẫn bồng bềnh trào ra từ ống sáo, và, khi anh trèo lên cao hơn, nó buông lời sầu não trong lúc xe cộ chạy qua bên dưới. Khúc bi ca của chú bé ngân nga giữa tiếng xe cộ, Septimus nghĩ. Giờ anh đã lui vào làn tuyết, và những đóa hồng rũ xuống quanh anh - những đóa hồng đỏ úa dày cánh mọc lên từ bốn bức tường phòng ngủ, anh tự nhắc bản thân. Tiếng nhạc đã ngưng. Ông lão đã được thưởng tiền, đã cất chúng, và đã bước sang tiệm rượu tiếp theo. Còn bản thân anh vẫn cheo leo trên tảng đá cao, như người thủy thủ bị chết chìm đang nằm vất vưởng trên tảng đá ấy. Tôi đã nhướn người qua thành tàu và đã ngã xuống, anh nghĩ. Tôi đã chìm sâu dưới đáy biển. Tôi đã chết, mà giờ vẫn sống, nhưng hãy để tôi được nằm yên; anh khẩn nài (anh lại nói chuyện với chính mình - thật khủng khiếp, khủng khiếp!); và trong lúc, trước khi tỉnh giấc, tiếng chim và tiếng xe cộ hòa âm trong giai điệu kỳ quái, lớn dần, rồi lớn dần, và kẻ đang say ngủ cảm thấy mình trôi dạt vào bến bờ cuộc sống, và mặt trời ngày càng nóng hơn, những tiếng hét ngày càng ầm ĩ hơn, một việc hệ trọng sắp sửa xảy ra. Anh chỉ vừa mở mắt; nhưng sức nặng đã dồn lên chúng; một nỗi sợ. Anh mệt mỏi; anh đẩy; anh nhìn; anh thấy công viên Regent hiện ra trước mắt. Những vạt nắng dài phủ phục dưới chân anh. Cỏ cây nghiêng ngả, uốn lượn. Chúng tôi chào đón, thế giới như muốn nói; chúng tôi tiếp nhận; chúng tôi khởi tạo. Vẻ đẹp, thế giới như muốn nói. Như để chứng mình (một cách khoa học) bất cứ nơi nào anh nhìn, vào những căn nhà, những hàng rào, những con linh dương đang nhởn nhơ sau rào chắn, vẻ đẹp bừng lên ngay lập tức. Được ngắm chiếc lá run rẩy trong làn gió vội là một niềm vui tinh tế. Trên trời cao, những chú chim nhạn đang sà xuống, chao liệng, uốn quanh, lên rồi xuống, hết vòng này sang vòng khác, nhưng luôn bằng sự kiểm soát hoàn hảo, như thể những sợi cao su đang buộc chúng lại; và những con ruồi cũng bay lên sà xuống; còn mặt trời thì lúc chiếu lên chiếc lá này, lúc chiếu lên chiếc lá khác, vẻ giễu cợt, trùm lên chúng ánh vàng mềm mại chứa chan; và giờ, có tiếng leng keng thánh thiện rung rinh trên những ngọn cỏ (có thể là tiếng còi ô tô) - tất cả những điều đó, êm đêm và hợp lý, được tạo thành từ những điều tầm thường, là chân lý, đã trở thành chân lý. Vẻ đẹp ở khắp nơi. “Đến giờ rồi”, Rezia nói. Vào đầu thế kỷ 20, các vấn đề về sức khỏe tâm thần thường được coi là tưởng tượng, là đáng xấu hổ hay là sản phẩm của sự yếu kém đạo đức. Virginia Woolf điên, bà cũng là nạn nhân của thời đại, nhưng căn bệnh cũng cho bà cơ hội chứng kiến tận mắt sự vô cảm của các chuyên gia y tế. Một trong những bác sĩ của Woolf gợi ý rằng nghỉ ngơi nhiều và ăn uống bổ dưỡng sẽ giúp bà hồi phục hoàn toàn, phương pháp này được kể lại trong “Bà Dalloway”, như một cách lên án sự xem nhẹ của bộ máy y tế với các bệnh lý tâm thần, việc đặc biệt nghiêm trọng trong bối cảnh nhiều người lính đang trở về nhà từ chiến trường, mang theo những vết sẹo tâm lý. Trong một cơn điên của mình, Woolf nghe thấy tiếng chim hót như những bản đồng ca Hy Lạp, và vua Edward dùng ngôn từ thô tục giữa những cây đỗ quyên. Năm 1941, khi nước Anh bước vào thế chiến thứ hai, và khi một cuộc đổ vỡ bắt đầu trong đời bà, mà bà lo sợ rằng sẽ là vĩnh viễn, Woolf đã cho một hòn đá nặng vào túi và dìm mình xuống sông Ouse. DEMEDIGiá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....

Công ty phát hành

CÔNG TY TNHH VĂN HÓA VÀ TRUYỀN THÔNG CẦU VỒNG

Dịch Giả

Trần Nguyên

Loại bìa

Bìa mềm

Số trang

340

Nhà xuất bản

Nhà Xuất Bản Phụ Nữ Việt Nam

Sản Phẩm Tương Tự

Sản Phẩm Liên Quan